Vai trò, nhiệm vụ luật sư nội bộ – luật sư doanh nghiệp là gì?

Vai trò của luật sư nội bộ doanh nghiệp

Luật sư nội bộ trong doanh nghiệp có các vai trò sau:

– Đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

  • Các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Luật Quản lý thuế, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật BHXH… khá phức tạp và thường xuyên thay đổi. Sự hỗ trợ của luật sư sẽ giúp doanh nghiệp hiểu đúng và tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh được các sai phạm, giảm thiểu nguy cơ bị phạt;
  • Mặt khác, luật sư nội bộ doanh nghiệp phụ trách giám sát quá trình thực hiện các quy định pháp luật của các nhân sự, các phòng ban và kịp thời giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh hàng ngày. Điều này giúp cho chủ doanh nghiệp có thể tập trung tâm trí vào hoạt động kinh doanh mà không phải lo lắng về các rủi ro pháp lý.

– Cố vấn pháp luật chủ động cho doanh nghiệp

  • Một trong những vai trò quan trọng hàng đầu của luật sư doanh nghiệp chính là tư vấn pháp lý chủ động. Luật sư sẽ tư vấn cho chủ doanh nghiệp những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn dưới góc độ pháp lý, giúp chủ doanh nghiệp đưa ra những quyết định đúng đắn trước khi quyết định thực hiện giao dịch hoặc một dự án kinh doanh, đồng thời giảm được tối đa rủi ro;
  • Ngoài ra, trước những thay đổi của chính sách pháp luật hoặc những biến động thị trường, sự tư vấn kịp thời của luật sư nội bộ sẽ giúp chủ doanh nghiệp nhận ra những cơ hội kinh doanh và thách thức đi kèm.

– Bảo vệ quyền lợi, tài sản của doanh nghiệp

  • Với sự hỗ trợ của luật sư, tài sản và lợi ích của doanh nghiệp được bảo vệ tối đa, đặc biệt là trong các giao dịch kinh tế quan trọng. Việc rà soát kỹ nội dung các điều khoản hợp đồng giúp phát hiện những điều khoản gây bất lợi hoặc không công bằng với doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro dẫn đến thiệt hại;
  • Luật sư cũng giúp doanh nghiệp bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ bằng việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (như đăng ký bằng sáng chế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tên thương mại…) và áp dụng các quy định pháp luật để chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ cạnh tranh.

– Xử lý khủng hoảng liên quan đến pháp lý và kiện tụng

Khi doanh nghiệp vướng phải tranh chấp pháp lý, kiện tụng hoặc những sự kiện tiêu cực có ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng doanh nghiệp, luật sư sẽ đưa ra giải pháp và thực hiện các hoạt động pháp lý phù hợp để bảo vệ danh tiếng, quyền lợi của công ty, hạn chế những thiệt hại về mặt tài chính.

Công việc của luật sư doanh nghiệp (luật sư nội bộ)

Tùy theo thỏa thuận giữa luật sư và doanh nghiệp, công việc của luật sư doanh nghiệp có thể bao gồm một số hoặc tất cả những công việc dưới đây:

– Tư vấn pháp lý

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại;
  • Tư vấn các quy định pháp lý liên quan đến lao động, bảo hiểm, tiền lương, chế độ phúc lợi…;
  • Tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng, mua bán bất động sản;
  • Tư vấn quy định pháp luật liên quan đến cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách và quy định nội bộ doanh nghiệp;
  • Tư vấn cách giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp giữa doanh nghiệp và đối tác, giữa doanh nghiệp và người lao động;
  • Tư vấn và đại diện doanh nghiệp thực hiện thủ tục liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, gia hạn văn bằng…

– Xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp

Sự hỗ trợ của luật sư từ những ngày đầu thành lập sẽ giúp cho doanh nghiệp có một nền tảng pháp lý vững chắc, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật khi làm việc với cơ quan nhà nước, người lao động, khách hàng, đối tác thông qua bộ quy tắc doanh nghiệp, tài liệu quản trị doanh nghiệp.

– Soạn thảo, rà soát hợp đồng, văn bản pháp lý

  • Soạn thảo hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, văn bản pháp lý theo yêu cầu doanh nghiệp;
  • Rà soát các hợp đồng, văn bản, tài liệu giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác, giữa doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo nội dung được đề cập trong hợp đồng và các tài liệu này không vi phạm pháp luật, có lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

–  Đại diện doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý

Luật sư nội bộ doanh nghiệp sẽ thay mặt người đại diện theo pháp luật thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền như:

  • Thành lập doanh nghiệp, mở chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; 
  • Mua bán công ty, sáp nhập doanh nghiệp;
  • Chuyển nhượng vốn/cổ phần, thay đổi giấy phép kinh doanh;
  • Làm giấy phép con (giấy phép ATTP, chứng nhận ISO, giấy phép tư vấn du học…);
  • Đăng ký bản quyền tác giả, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu…

– Đại diện doanh nghiệp giải quyết tranh chấp

  • Đại diện doanh nghiệp đàm phán, giải quyết các vụ việc tranh chấp đơn giản (vụ việc chưa đến mức phải đưa ra xét xử bởi Tòa án hoặc trọng tài thương mại);
  • Đại diện doanh nghiệp làm việc với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, trọng tài thương mại hoặc Tòa án để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Một số hạn chế khi không có luật sư doanh nghiệp

Một doanh nghiệp không có sự hỗ trợ của luật sư nội bộ có thể gặp phải những vấn đề sau:

  • Khó nhận ra được những bất lợi và rủi ro trong hợp đồng hoặc thỏa thuận với khách hàng, đối tác, nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng và phải chịu các chế tài như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hoặc không có căn cứ yêu cầu bên vi phạm thực hiện các trách nhiệm nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp;
  • Không thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng lao động và các quy định liên quan đến người lao động;
  • Sự thiếu hiểu biết về mặt pháp lý có thể khiến doanh nghiệp đưa ra những quyết định thiếu đúng đắn khi làm việc với truyền thông, hoặc khi làm việc với khách hàng, đối tác, người lao động, gây ra những thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp.

Để lại bình luận

Scroll
Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay